SISP - Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng giao tại Quyết định số 399/QĐ-BXD ngày 05/5/2017, Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam (SISP) đã triển khai các nội dung phục vụ công tác quản lý Nhà nước với hai nội dung chính là: Rà soát công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), đề xuất giải pháp khắc phục và tổng hợp các thông tin, kiến nghị của các địa phương với hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị từ đó có được kết quả đánh giá chung, chi tiết cho từng tỉnh về công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch.
TP Hồ Chí Minh một trong 32 tỉnh thành phía Nam mà SISP đã thực hiện rà soát công tác quy hoạch xây dựng.
Theo báo cáo từ SISP: Phạm vi thực hiện công việc rộng khắp 32 tỉnh thành phía Nam, được phân chia thành các vùng địa lý như vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), vùng ven biển miền Trung (8 tỉnh thành), vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh thành) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh thành).
Để đạt kết quả cao trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, thời gian qua, SISP đã áp dụng phương pháp luận hợp lý, thu thập dữ liệu trực tiếp từ đầu mối Sở Xây dựng các tỉnh thông qua các buổi họp. Dữ liệu sau đó được thu hồi và tổng hợp từ các biểu mẫu, đề cương cung cấp sẵn do địa phương tập hợp trong thời gian hai tháng và gửi về.
Kết quả tổng hợp được từ việc rà soát công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn các tỉnh phía Nam cho thấy sự phù hợp giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các loại quy hoạch khác tại các tỉnh thành phía Nam phần lớn các loại quy hoạch đều hướng tới mục tiêu quy hoạch, phát triển được định hướng theo yêu cầu thực tế tại các địa phương.
Tuy nhiên, có sự chênh lệch về thời điểm lập và thời hạn quy hoạch giữa các loại hình quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị so với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch chuyên ngành cấp tỉnh, điều này dẫn tới các kết quả dự báo không đồng nhất và khả năng tích hợp đa ngành trong quy hoạch chưa hiệu quả.
Đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đa phần đều tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch của các loại quy hoạch cấp trên về quy mô phát triển, quy mô dân số, sử dụng đất do được quản lý tuân thủ theo hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Cũng từ rà soát công tác lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh cho thấy đa số các tỉnh đều tuân thủ thực hiện tốt công tác lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo Luật Xây dựng, riêng các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ có tỉnh Đăk Lăk đã lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, một số tỉnh đang triển khai công tác lập quy hoạch.
Các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đa số được lập trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2017; một số tỉnh lập và phê duyệt vào năm 2010 cũng đã đến thời hạn hoặc có nhu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng.
Các tỉnh chưa lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đều dựa vào quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn để quản lý, thực hiện các quy hoạch xây dựng cấp dưới. Công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện chưa được các tỉnh chú trọng thực hiện trong giai đoạn sau khi lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.
Hầu hết các đô thị tại các tỉnh đều đã được tổ chức lập quy hoạch chung và rà soát, điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị, tuy nhiên còn nhiều đô thị cấp huyện được lập quy hoạch trước khi ban hành Luật Quy hoạch đô thị mà chưa được chú trọng rà soát, điều chỉnh. Các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị có tỉ lệ phủ chưa cao.
Các tỉnh thành chú trọng công tác lập và thực hiện các loại đô thị này chủ yếu tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, vùng ven biển miền Trung và các không nhiều tại vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, các tỉnh đều thực hiện tốt công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch.
Từ các kết quả phân tích, các nội dung đề xuất điều chỉnh được SISP đề cập bao gồm: Đề xuất rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đối với các tỉnh đã đến thời hạn; rà soát, lập bổ sung các chương trình phát triển đô thị tỉnh, đô thị; rà soát, điều chỉnh các nội dung quy hoạch chung các đô thị về thiết kế đô thị, quy mô dân số đất đai, tổ chức không gian phù hợp với các yêu cầu về biến đổi khí hậu hoặc phù hợp yêu cầu phát triển riêng của vùng, miền… rà soát, lập bổ sung các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cho các đô thị…
Theo kết quả tổng hợp các thông tin, kiến nghị của các địa phương với hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị cho thấy trong quá trình áp dụng các văn bản pháp luật đối với những lĩnh vực trên, các cơ quan quản lý Nhà nước ngành Xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi lập và quản lý thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, nhiều địa phương đề nghị xem xét điều chỉnh các điều khoản liên quan thời gian lập, trình duyệt nhiệm vụ quy hoạch; thời hạn lập quy hoạch; cắm mốc giới quy hoạch.
Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến nội dung các loại đồ án, hồ sơ đồ án cũng được đề cập. Nhiều địa phương có phản hồi về một số nội dung quy định việc phân loại và phát triển đô thị còn chưa hợp lý, tác động đến kế hoạch phát triển đô thị.
Hầu hết các đô thị ven biển gặp vướng mắc khi Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo số 82/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, họ đề xuất cần sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Từ việc rà soát công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn các tỉnh cần được thực hiện thường xuyên trong các năm tới, giúp Bộ Xây dựng có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch tại các tỉnh.
Trụ sở chính: Số 65 và 65 Bis, đường Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, T.P HCM, Việt Nam
Điện thoại: 0283 8235 714| Fax: 0283 8220 090
Email: info@sisp.vn | Website: www.sisp.vn
Copyright © 2019 Bản quyền thuộc về VIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG MIỀN NAM
Thiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam
Đang Online: 1 | Tổng lượt truy cập: 641122