(VOH) - TPHCM công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng 21/6, tại Sở Quy hoạch Kiến Trúc thành phố.
Theo đồ án này, mục tiêu đưa TPHCM trở thành vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị trí quan trọng và trở thành vùng kinh tế lớn của cả nước trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế theo hướng liên kết vùng, cân bằng và phát triển bền vững.
Theo điều chỉnh quy hoạch này, TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang với tổng diện tích khoảng hơn 30.400 km2.
Thành phố có tỉ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; là vùng giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước, đầu mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Ông Lê Quốc Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – thành viên nhóm tư vấn đồ án quy hoạch này đánh giá: “Qua đồ án, chúng ta có thể thấy vai trò của TPHCM rất lớn. TPHCM sẽ phân vai với những địa phương khác được xác định cụ thể trong đồ án. TPHCM sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước và là đô thị hạt nhân. Đặc biệt, một điều quan trọng nữa là TPHCM sẽ là trung tâm trí thức, động lực phát triển kinh tế trí thức cho toàn vùng và cả nước. Một vai trò nữa là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, phát triển theo hướng công nghệ thông minh mà hiện nay chúng ta cũng đang hướng tới, trung tâm logictics tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt có những trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi cũng đưa ra dự báo cho TPHCM, đó là đến năm 2030, thì dân số toàn thành phố khoảng 10 triệu người”.
Tính luôn toàn bộ ranh giới hành chính thành phố và 7 tỉnh lân cận thì dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 24-25 triệu người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6-7 triệu người với 18-19 triệu lao động. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70-75%. Theo quy hoạch này, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị đạt khoảng 270.000 đến 290.000 hecta; bình quân 100-150 m2/người; đất xây dựng điểm cư dân nông thôn đạt 150.000 – 170.000 hecta, bình quân 180-210 m2/người.
Ông Lê Quốc Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – thành viên nhóm tư vấn đồ án quy hoạch (phải) làm rõ thêm một số thông tin các đại biểu nêu trong đồ án.
Ông Ngô Anh Vũ – Trưởng Phòng Quy hoạch -Viện Quy hoạch Xây dựng đề xuất nhóm tư vấn đồ án cần xác định thêm sự khác biệt giữa đồ án cũ và mới. Ngoài quy mô dân số tăng trưởng thì các tiểu vùng, các cực tăng trưởng, các đô thị mới thành phần, các cấu trúc không gian vùng có thay đổi như thế nào: “Nguồn lực và động lực để phát triển theo xác định hạt nhân của thành phố là như thế nào, vì tôi nghĩ TPHCM vẫn mãi là hạt nhân chính trong vùng đô thị TPHCM, có những tính chất về trung tâm, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thu7ng mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, công nghệ cao… tức là những gì của thành phố hạt nhân này đều có. Tuy nhiên, chúng ta có nguồn lực gì để kích trung tâm này không”.
Cũng quan tâm đến giải pháp tổ chức thực hiện và nguồn lực phát triển đồ án này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố cho rằng: “Về định hướng phát triển công nghiệp không có quận 2, do đó sẽ có sự chuyển đổi về cơ cấu trong công nghiệp và những khu công nghiệp như Cát Lái dần dần điều chỉnh lại về mặt chức năng. Điều đó mở rộng triển vọng đối với chúng tôi là những doanh nghiệp phát triển đô thị, phát triển các dự án bất động sản. Tôi thấy trong quyết định của Thủ tướng, có một điều, chúng tôi đề nghị cần bổ sung, đó là vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Qua Seoul và Nhật Bản, vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy như mắc cửi, nhưng ở TPHCM, tuyến đường sắt kết nối từ ga Sóng Thần ra Cát Lái giờ không còn. Đây là một điều rất đáng tiếc”.
Đề cập đến việc TPHCM sẽ tập trung triển khai tới đây các nội dung dựa vào đồ án quy hoạch vùng này, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố thông tin thêm: “Sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng tầm nhìn 2050, thì TPHCM đã công bố quy hoạch điều chỉnh này. Trong bản công bố đó, TPHCM đã mời đại diện các tỉnh thành đã làm nghiêm túc. Sắp tới, TPHCM làm một số quy hoạch khác liên quan đến quy hoạch vùng này tổ chức điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội TPHCM là một địa phương quan trọng của TP.HCM. Thứ hai, xem xét điều chỉnh quy hoạch ngành lien quan đến TP và một số khu vực khác trong khu vực. Kế nữa, đây là cơ sở quan trọng để TPHCM tiến hành điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TPHCM trước đây là theo quyết định 24 của Thủ tướng, nay sẽ là điều chỉnh mới với tầm nhìn 2050 giống như tương đồng điều chỉnh đồ án quy hoạch vùng của TPHCM trong năm vừa qua”.
Nguồn: https://radio.voh.com.vn/
Trụ sở chính: Số 65 và 65 Bis, đường Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, T.P HCM, Việt Nam
Điện thoại: 0283 8235 714| Fax: 0283 8220 090
Email: info@sisp.vn | Website: www.sisp.vn
Copyright © 2019 Bản quyền thuộc về VIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG MIỀN NAM
Thiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam
Đang Online: 62 | Tổng lượt truy cập: 475179