logo

    Thông báo

    Giới Thiệu Sách

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

CNVCLĐ Ngành Xây dựng thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước...”

  • Thứ năm, 10:48 Ngày 07/09/2023
  • Ngành Xây dựng Việt Nam ngay từ những năm đầu thành lập đã rất coi trọng công tác thi đua khen th¬ưởng, công tác này được coi đây là đòn bẩy hữu hiệu cho các hoạt động của toàn Ngành xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua.  Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn của ngành Xây dựng luôn phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của  đất nước...
    Ngay từ thời kỳ đó, các phong trào: “tứ bảo” (bảo đảm năng suất, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ và bảo đảm tiết kiệm, an toàn lao động) và “5 đạt” đã được CNLĐ ngành Xây dựng hăng hái tham gia, đạt hiệu quả cao. Các công trình công nghiệp và dân sinh – những “thành quả đầu tay” của người thợ Xây dựng đã như “luồng sinh khí mới” làm đẹp và ích lợi cho đất nước. Các công trình nhà máy điện (Việt Trì, Lào Cai, Vinh…), KCN Cao-Xà-Lá, Khu nhà ở Nguyễn Công Trứ (Hà Nội).v.v…được xây dựng trong giai đoạn này.  Chính từ các hoạt động thi đua này, ngành Xây dựng vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động (AHLĐ) cho hai người thợ Đoàn Văn Cẩn và Phan Tính. 
    Những năm đầu thập kỷ 60, lãnh đạo ngành Xây dựng đã phát động nhiều cuộc thi đua với mục tiêu “Năng suất, chất lượng cao” nhằm đạt các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ba năm liên tiếp, Bộ và Công đoàn ngành đã tổ chức 3 kỳ đại hội tập trung chủ đề “Năng suất lao động”. Hàng loạt công trình được xây dựng trong khí thế hồ hởi thi đua, lao động quên mình. Hàng trăm đơn vị, tập thể được công nhận “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”. Ngành Xây dựng có thêm 3 AHLĐ được tôn vinh trong giai đoạn này. 
    Ngày mồng 5.8.1964 – cái mốc đánh dấu cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bắt đầu lan ra Miền Bắc. Gần 10 năm lao động trong lửa đạn chiến tranh khốc liệt (tính đến năm 1974), CNLĐ ngành Xây dựng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa là thợ, cũng là người lính, không chỉ xây dựng các công trình dân sinh, mà còn đảm nhiệm cả các công trình an ninh quốc phòng; Đồng thời chia sẻ nhân lực cho chiến trường. Hơn 30 nghìn cán bộ, CNVC ngành Xây dựng đã tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến. Phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt” được CNLĐ toàn ngành tích cực tham gia. Nhiều công trình mang tính chiến lược và trọng điểm được xây dựng thời kỳ này. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình  đáp ứng nguyện vọng và tình cảm sâu nặng của nhân dân trong nước và quốc tế đối với Bác Hồ, bởi công trình được xây dựng bằng lương tâm và lòng thành kính  của người thợ Xây dựng tri ân vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu này đã in đậm trong tâm khảm nhiều người cùng thời về những hy sinh mất mát, về những thành tựu, niềm tự hào khẳng định sự trưởng thành của cán bộ, CNLĐ toàn ngành. Trang sử truyền thống của ngành đã ghi: qua các phong trào thi đua, năm 1966 có 151tập thể đạt danh hiệu “Tổ đội lao động XHCN”, đến năm 1975, toàn ngành có 567 tập thể đạt danh hiệu này (tăng gần 4 lần), và thêm 4 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ.  
     Sau chiến tranh (1976), chúng ta phải đối mặt với nhiều thử thách, phải giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, và tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nền sản xuất lớn XHCN. Ngành Xây dựng liên tục tổ chức các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980). Thời kỳ này, phong trào Phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm sử dụng vật tư tiết kiệm, tăng cường khai thác vật tư tại chỗ, nâng cao năng suất, hiệu quả, phong trào Năng suất cao, quản lý giỏi… được CNXD hưởng ứng sôi nổi. Từ thực tiễn tổ chức sản xuất tại các công trình với nhiều lực lượng tham gia, phong trào Thi đua liên kết đã ra đời. Thi đua liên kết có tác dụng phát huy tinh thần hiệp tác và ý thức lao động tập thể của công nhân nhiều ngành, nghề, đơn vị, làm cho công việc vận hành đồng bộ, đạt hiệu quả, tiến độ và đảm bảo chất lượng.
    Trên những công trình trọng điểm do Liên Xô giúp đỡ, phong trào Thi đua liên kết đã phát triển thành phong trào Thi đua quốc tế XHCN Việt - Xô (Thi đua hữu nghị Việt – Xô) giữa cán bộ, CNXD Việt Nam với Đoàn chuyên gia Liên Xô có hiệu quả thiết thực, cùng vượt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, sản phẩm; đồng thời tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, các chuyên gia giúp cán bộ, CNXD Việt Nam nâng cao tay nghề và trình độ quản lý.
              Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành  xây dựng ch¬ương trình, kế hoạch thi đua với nội dung cụ thể, tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống cho CNLĐ. Công tác thi đua khen thư¬ởng ngày càng rõ trách nhiệm của chủ đầu tư¬ và người lao động, tạo đ¬ược động lực để phát triển. Các giải pháp quản lý hoạt động xây dựng đã được vận dụng hữu hiệu, ví dụ: Khoán gọn khối lượng công trình; tổ chức đấu tranh chống tiêu cực v.v…; Công đoàn Ngành tích cực đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam việc thành lập Công đoàn TCty, Liên hiệp các xí nghiệp phù hợp với mô hình tổ chức quản lý kinh tế. Đây là những hoạt động cần thiết để nâng cao năng lực, bản lĩnh người lao động, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức công đoàn.
    Phát huy truyền thống thi đua năng suất cao, ngày 11/9/1982, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ CĐXDVN đã có Chỉ thị Liên tịch số 36/BXD-CĐXD về phong trào “Năng suất cao - Quản lý giỏi”. Sáng kiến này được tổ chức dưới hình thức thi đua liên kết trong CNVC giữa các đơn vị xây lắp cùng thi công công trình trọng điểm. Mỗi xí nghiệp tham gia đều giao ước với mục tiêu, tiến độ cụ thể, có biện pháp phấn đấu, có cam kết trách nhiệm... Qua đợt thi đua, tập thể CBCNV xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, các tập thể thi công công trình Nhiệt điện Phả Lại đã đưa năng suất tăng gấp 50% trong quý cuối cùng của năm 1982, công nhân lắp máy đã áp dụng thành công phương pháp  lắp đặt tổ hợp khối lớn với các thiết bị máy móc siêu trường, siêu trọng. 
    Trên các công trường trọng điểm, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế luôn là một công tác trọng  tâm và được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, kỹ sư, CNLĐ.  Có thể nói thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là mặt mạnh của cán bộ CNXD. Từ chỗ thao tác đơn giản, thủ công, thuê chuyên gia nước ngoài.v.v…ngày nay, cán bộ CNLĐ ngành Xây dựng đã tự làm chủ nhiều phương tiện thiết bị hiện đại, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, làm lợi cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Phong trào này ngày càng được duy trì và đạt hiệu quả cao. Từ 2008 – 2012, toàn Ngành đã có trên 3.000 sáng kiến, đề tài được công nhận 58 cán bộ, CNVCLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng  Bằng và huy hiệu Lao động sáng tạo.
    Giai đoạn 2008- 2013, toàn Ngành đã tổ chức hơn 1.500 đợt thi đua, có 336 công trình đăng ký chào mừng các sự kiện trọng đại của đất n¬ước. Các công trình trọng điểm¬: thuỷ điện Sơn La, Tuyên Quang, Đồng Nai, Xêkaman 1, Xêkaman 3, Lọc dầu Dung Quất, cầu Thủ Thiêm, Nhiệt điện Vũng Áng, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Bỉm Sơn v.v … đều triển khai hiệu quả các phong trào thi đua. Tại công trư¬ờng xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, công đoàn cùng các đơn vị liên quan liên tục phát động thi đua hoàn thành vượt mức tiến độ, góp phần quan trọng trong việc đ¬ưa 6 tổ máy vào hoạt động trước tiến độ quy định ba năm, làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước.
    CĐXDVN phối hợp với Bộ Xây dựng tổng kết 5 năm cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất l¬ượng công trình, sản phẩm xây dựng”giai đoạn 2006-2010, định h¬ướng phát triển cuộc vận động trong thời gian tới; cuộc vận động “Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc của CNVCLĐ ngành Xây dựng”; cuộc vận động “Xây dựng và phát triển lực l¬ượng CNVCLĐ ngành Xây dựng trong tình hình mới”. Công đoàn Tổng công ty Sông Đà đã vận động hơn 1.500 cử nhân, kỹ sư¬ có kinh nghiệm hư¬ớng dẫn, giúp đỡ cho hơn 2.500 cử nhân, kỹ sư mới ra trư¬ờng; vận động 2 ngàn thợ bậc cao kèm cặp, giúp đỡ cho hơn 5 ngàn thợ bậc thấp, công nhân mới ra trường. Với những thành tích đạt được, từ năm 2008 đến năm 2013 đã có 08 công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, 36 cán bộ công đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương các loại; 03 tập thể, 30 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 01 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, Tổng Liên đoàn tặng th¬ưởng 124 cờ thi đua, 278 bằng khen tập thể, 642 bằng khen cá nhân; CĐXDVN tặng thưởng 474 cờ thi đua, 2511 bằng khen tập thể, 10082 bằng khen cá nhân. Công đoàn Xây dựng Việt Nam được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối 6 Công đoàn ngành Trung ương, Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc năm 2012 và được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu thi đua năm 2011.
    Định kỳ, CĐXDVN đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ngành Xây dựng  và  tổng kết Cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng” nhằm khen thưởng động viên kịp thời các đơn vị có các công trình, sản phẩm được đánh giá ghi nhận công trình đạt chất lượng cao ngành Xây dựng.
    Từ phong trào thi đua yêu nước, Bộ Xây dựng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và 02 Huân chương Hồ Chí Minh, Công đoàn Xây dựng Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
    Chúng ta tự hào rằng, nhờ trưởng thành từ phong trào thi đua yêu nước, trong đội ngũ của ngành Xây dựng đã có 35 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 02 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 43 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 
    Cùng với việc đề nghị Nhà nước tặng thưởng các hình thức khen thưởng cấp cao cho các tập thể, cá nhân, ngành Xây dựng đã quan tâm tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động xuất sắc toàn ngành hàng năm nhằm tôn vinh những người lao động trực tiếp ở các cấp, các đơn vị. Đây là những tấm gương bình dị mà cao quý, được phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng làm nhân tố để phát triển phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong các đơn vị thuộc Ngành.
    Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của ngành Xây dựng, chúng ta có thể khẳng định rằng, nhờ thấm nhuần lời dạy của Bác về thi đua ái quốc, biết năng động, sáng tạo vận dụng vào thực tiễn của Ngành, của từng đơn vị, công trình, từng thời kỳ cụ thể, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Công đoàn Xây dựng Việt Nam và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các thế hệ công nhân, viên chức, lao động toàn Ngành, phong trào thi đua yêu nước của ngành Xây dựng không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức, được tổ chức rộng khắp, sôi nổi, đã tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên công nhân, viên chức, lao động toàn Ngành vượt qua khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.
    Phát huy những truyền thống của Ngành, thấm nhuần tư tưởng và lời Bác dạy về thi đua, bắt đầu từ những việc làm bé nhỏ, bình thường hàng ngày mang lại lợi ích cho dân, cho nước, chính là hành động thiết thực và cụ thể của mỗi chúng ta cùng góp phần vào sự nghiệp phát triển của Ngành, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
    Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch CĐXDVN
    (nguồn: http://congdoanxaydungvn.org.vn/)
    Bài viết liên quan
    TOP